Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX) là điểm phục vụ thuộc mạng bưu chính công cộng được Nhà nước giao cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khai thác và quản lý. Ngoài việc, BĐ-VHX là nơi triển khai các chương trình, đề án, dự án đưa thông tin, truyền thông về nông thôn, phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của người dân, BĐ-VHX còn là nơi cung ứng các dịch vụ bưu chính, viễn thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân ở vùng nông thôn.
BĐ-VHX phát huy vai trò phục vụ người dân, đặc biệt tại địa bàn nông thôn
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐ-VHX, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tham mưu đưa các chương trình triển khai tại BĐ-VHX (Dự án nâng cao khả năng truy cập Internet của Quỹ Bill & Melinda Gates, Chương trình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về luân chuyển sách báo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…).
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT còn phối hợp với các đơn vị liên quan đưa các dịch vụ hành chính công như chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, thu phí xử phạt vi phạm hành chính… về triển khai tại các bưu cục, điểm phục vụ, trong đó có các BĐ-VHX nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm này.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên toàn quốc có 8.273 BĐ-VHX. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của các BĐ-VHX đem lại là 1.383 tỷ đồng; bình quân 28 triệu đồng/điểm/tháng. Riêng tại tỉnh Thái Bình, doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của 228 BĐ-VHX là 34,4 tỷ đồng (bình quân 25 triệu đồng/điểm/tháng).
Như vậy, BĐ-VHX vẫn phát huy được vai trò của mình tại địa bàn nông thôn, vẫn phục vụ người dân đọc sách, báo, tra cứu Internet khi có nhu cầu.
Với vai trò là đơn vị được Nhà nước giao khai thác và quản lý hệ thống BĐ-VHX, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã chủ động triển khai kế hoạch tu sửa, nâng cấp nhiều BĐ-VHX; đóng cửa để chuyển đổi vị trí một số điểm không phù hợp và đưa nhiều dịch vụ triển khai tại BĐ-VHX nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương cũng đã chủ động xây dựng các đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐ-VHX từ nguồn ngân sách của địa phương như tỉnh Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đồng Nai… Các đề án được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các BĐ-VHX gắn với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới từ nguồn ngân sách địa phương.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐ-VHX, bên cạnh việc Bộ TT&TT tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, nghiên cứu, tìm kiếm các Chương trình, dự án để triển khai tại các BĐ-VHX thì việc Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành tại địa phương và Bưu điện tỉnh/thành phố xây dựng các đề án hỗ trợ cho hoạt động tại các điểm này bằng nguồn vốn ngân sách địa phương cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình là rất cần thiết.
Thu Hương/Mic.gov.vn