“Cánh tay nối dài” thúc đẩy chuyển đổi số

Trong quá trình phát triển KT-XH, Bưu điện - Văn hóa xã được ví là “cánh tay nối dài” thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số. Do đó, các đơn vị có liên quan đang nỗ lực đầu tư hạ tầng, cải thiện và đa dạng hóa dịch vụ ở các bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê từ Bưu điện tỉnh, toàn tỉnh có 123 Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX), phục vụ các nhóm dịch vụ thiết yếu như: Bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, kinh doanh hàng hóa và đặc biệt là hành chính công, trong đó có hỗ trợ người dân và tiếp nhận, chuyển trả các thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Gia Bình, Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết: Trước đây, BĐ-VHX chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống, là nơi đọc sách báo miễn phí. Tuy nhiên, để BĐ-VHX phát triển hơn, Bưu điện tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn, chú trọng phát triển kinh doanh, mở rộng dịch vụ, hợp tác cung ứng các dịch vụ, phục hồi hoạt động các BĐ-VHX. Đồng thời, hệ thống BĐ-VHX cũng từng bước được đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới, trang bị công cụ, dụng cụ, tạo diện mạo khang trang và cung cấp đa dạng dịch vụ phục vụ khách hàng.

BĐ-VHX Nhơn Phong (TX An Nhơn) đã và đang trở thành điểm đến đáng tin cậy của người dân, không chỉ trong việc sử dụng các dịch vụ bưu chính mà còn như một “siêu thị thu nhỏ” với các mặt hàng tiêu dùng chất lượng cao.

Bd Bdvhx Canhtay

Người dân ở huyện An Lão truy cập Internet để khai thác các thông tin thiết yếu tại một BĐVHX. Ảnh: Trọng Lợi

Bà Đinh Thị Minh Tâm, Trưởng BĐ-VHX Nhơn Phong, cho hay: Từ khi chuyển đổi sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ, doanh thu của Bưu điện đạt gần 45 triệu đồng/tháng, tăng gấp đôi so với trước đây. Bên cạnh các dịch vụ kinh doanh, nhân viên BĐ-VHX còn giúp người dân tạo lập tài khoản, hướng dẫn cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội (Buudien.vn, Facebook, Tiktok…). Nhờ đó, khoảng cách nông thôn - thành thị, người bán - người mua cũng rút ngắn đáng kể.

Có thể thấy, BĐ-VHX giờ đây vừa là cầu nối giao tiếp giữa Bưu điện và người dân vùng nông thôn qua các dịch vụ thiết thực, vừa là nơi truyền đạt, phổ biến những kiến thức về công nghệ số phục vụ người dân nông thôn. Đồng thời, BĐ-VHX trở thành một gian hàng số trên sàn thương mại điện tử Buudien.vn với nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương cùng đa dạng các mặt hàng tiêu dùng. Các gian hàng số này không chỉ là nơi người dân có thể đặt mua những sản phẩm cần thiết, phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày mà còn là “đầu ra” hiệu quả hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản. BĐ-VHX cũng là nơi hỗ trợ người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến và thanh toán trực tuyến.

Chị Trương Thị Minh, ở khu phố Gò Bùi, thị trấn An Lão (huyện An Lão) thổ lộ: Gần đây, tôi hay đến điểm Bưu điện thị trấn để mua nước rửa chén, nước giặt và nước lau sàn; có khi thì nộp tiền điện, lúc thì gửi hàng, gia hạn thẻ BHYT... Phải công nhận rằng, các dịch vụ ở Bưu điện bây giờ khá thiết thực, gần gũi với người dân ở nông thôn nên bà con tin tưởng và sử dụng nhiều hơn. Mua hàng ở đây cũng yên tâm, không lo hàng giả, hàng nhái.

Tuy vậy, BĐ-VHX vẫn còn gặp một số khó khăn, đặc biệt là với các điểm ở các huyện miền núi. Ông Nguyễn Gia Bình cho rằng: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở các BĐ-VHX vùng cao còn thiếu, là rào cản lớn khiến các bưu điện chậm bứt phá. Phần nữa là tập quán sinh hoạt, trình độ tri thức của bà con ở các huyện miền núi, nhất là ở xã vùng cao còn hạn chế.

Để tháo gỡ vấn đề này, Bưu điện tỉnh đang phối hợp với Sở TT&TT kiểm tra, rà soát các điểm BĐ-VHX thuộc các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) để xây dựng kế hoạch hỗ trợ cung cấp dịch vụ thông tin công cộng như: Hỗ trợ tiếp nhận các xuất bản phẩm, báo chí in để phục vụ người dân trên địa bàn; phục vụ miễn phí người dân đọc sách, báo, tạp chí và cung cấp dịch vụ phục vụ truy cập internet băng rộng để người dân khai thác các thông tin thiết yếu, đọc sách báo điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến… Đồng thời, Bưu điện tỉnh cũng tiếp tục quan tâm trang bị quầy giao dịch, tủ đựng sách báo, bàn ghế, máy tính, máy in, tăng cường thêm nhân viên nhằm bảo đảm chất lượng phục vụ.

Ngoài ra, Bưu điện tỉnh còn triển khai ngày hội bán hàng, lồng ghép các dịch vụ; gắn trách nhiệm cho từng BĐ-VHX để hướng dẫn người dân đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (Buudien.vn) và làm cầu nối để thực hiện các thủ tục hành chính phi địa giới hành chính trong thời gian tới.

Trọng Lợi/Báo Bình Định