Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gặp mặt thanh niên tiêu biểu là con cán bộ, nhân viên Bưu điện Việt Nam

Chiều 17/7/2024, tại Trụ sở Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có cuộc gặp mặt, trò chuyện, tặng sách các cháu học sinh, sinh viên là con CBNV Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Đối thoại cùng thế hệ trẻ là các bạn học sinh, sinh viên sinh năm 2002 đến 2009, Bộ trưởng đã chia sẻ, giải đáp nhiều vấn đề, chủ yếu xoay quanh chủ đề con người, học tập, tri thức khoa học, xã hội, hướng nghiệp cũng như phương thức giải quyết hiệu quả các vấn đề, đặc biệt là những lời khuyên bổ ích cho những lựa chọn trong tương lai của các bạn trẻ tiêu biểu tham dự chương trình.

Bt Nmh Bdvn 1

Quang cảnh hội nghị

Thế hệ trẻ nên chủ động làm việc khó, dám thử và tìm ra điểm mạnh của mình

Mở đầu cuộc gặp mặt, Bộ trưởng nhấn mạnh truyền thống của văn hoá Việt Nam là nhớ về cội nguồn, tưởng nhớ những người có công với đất nước trong thế hệ trẻ là cần thiết, là nền tảng để phát triển bền vững và cống hiến cho Tổ quốc.

Liên quan đến chủ đề con người, theo Bộ trưởng: “tài phải đi đôi với đức, trong đó đức là gốc, là điều kiện cần để đánh giá bất kỳ trường hợp nào”. Để đánh giá người tài, trước hết chúng ta phải nhìn đến kết quả làm việc của người đó, đồng thời cũng cần xem xét các kết quả trung gian. Khi đó, người tài là người tạo ra được nhiều giá trị cho cộng đồng, làm cho cuộc sống, đất nước tốt đẹp hơn. Muốn trở thành người tài, thế hệ trẻ nên chọn làm việc khó, không ngại làm việc khó, thậm chí là xin việc khó để làm. Chỉ khi đó, công việc mới giúp mình trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm hơn. Điều quan trọng là phải kiên trì tìm ra chính mình, tìm ra tài năng của bản thân.

Bt Nmh Bdvn 10

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh truyền thống của văn hoá Việt Nam là nhớ về cội nguồn, tưởng nhớ những người có công với đất nước

Một người thành công tất nhiên cần hiểu biết nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất vẫn là tri thức. Khi đi học, chúng ta thường học các kiến thức nền tảng, các kiến thức tối thiểu. Chỉ khi vận dụng được những kiến thức đó vào thực tiễn, vào cuộc sống hàng ngày, chúng ta mới có thể nhớ lâu, mới có thể sử dụng kiến thức đó suốt cả cuộc đời. Nói cách khác, chúng ta cần hành trước rồi mới đến học qua việc hỏi. Để tránh bị đào thải, chúng ta phải trở thành người duy nhất, biết tạo ra các định nghĩa mới trong nghề. Vẻ đẹp lớn nhất của con người chính là sự khác biệt. Tóm lại, chúng ta phải tìm ra thế mạnh của mình, giúp mình nổi bật trong đám đông.

“Mỗi người đều có một tài năng đặc biệt nào đó mà người khác không có. Tức là mỗi người đều có một cái mà người khác không có, tức là mình giỏi nhất ở chỗ đấy. Thế nên, cuộc đời mình phải tìm ra chính mình, xem mình giỏi ở cái việc gì.” Bộ trưởng chia sẻ.

Một người lãnh đạo giỏi là người dung nạp được tài năng của các nhân viên, là tạo ra được môi trường cho nhân viên tìm, phát hiện tài năng, cho phép nhân viên được thử, được tỏa sáng, từ đó góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng, cho đất nước.

Bt Nmh Bdvn 5

“Bộ trưởng nhận định thế nào là người tài” – là câu hỏi đầu tiên được đặt ra với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi đối thoại

Chọn giữa việc mình thích, việc mình giỏi và việc có nhu cầu cao

Tiếp đó, chia sẻ về vấn đề hướng nghiệp, Bộ trưởng cho biết: để chọn nghề, chúng ta có lý thuyết 3 vòng tròn. Vòng tròn thứ nhất là việc mình thích, vòng tròn thứ 2 là những việc mình giỏi, việc mình có thể làm tốt hơn người khác và vòng tròn 3 là những việc đang có nhu cầu cao, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Bộ trưởng khuyên các bạn trẻ đang tìm định hướng chọn nghề rằng: “Chỗ giao nhau giữa 3 vòng này là việc nên chọn”. Nếu không thể chọn được thì hoàn toàn có thể chọn ngẫu nhiên.

Sau khi tốt nghiệp, thế hệ trẻ cũng không nhất thiết phải làm trong các công ty lớn. Bởi vì, khi làm việc tại các công ty nhỏ, điển hình như các công ty khởi nghiệp, các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển, trở thành những “con ốc lớn, mắt xích lớn”, đồng thời dễ dàng đề xuất, xây dựng những quy trình mới, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn.

Trong công việc, điều quan trọng là thế hệ trẻ nên đạt đến mức xuất sắc và chỉ khi đạt đến mức xuất sắc rồi thì mới rời đi để làm công việc khác. Đó là hành trang để chúng ta có thể làm việc mình thích. Với những bạn thường xuyên đổi chỗ làm, môi trường nào cũng chỉ làm một thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiêm đều chỉ dừng ở mức sơ sơ. Khi đó, các bạn sẽ rất nhanh chán. Kéo dài tình trạng này thì dù có đi làm bao nhiêu năm, bạn vẫn chỉ là người biết sơ sơ.

Bt Nmh Bdvn 8

Nhiều vấn đề nóng của xã hội, của ngành Thông tin và Truyền thông cũng được các con CBCNV Bưu điện Việt Nam đặt ra với Bộ trưởng

Xác định gốc Việt Nam và phải giỏi Tiếng Việt

Một vấn đề khác cũng được rất nhiều bạn trẻ quan tâm tại buổi gặp mặt chính là du học. Theo Bộ trưởng, hiện nay, có thể thấy điều kiện học tập ở Việt Nam đã tốt hơn trước đây rất nhiều, do đó các bạn trẻ không nhất thiết phải đi du học, không đi du học cũng không sao. Du học là câu chuyện của từng cá nhân, có người chọn du học, có người chọn học trong nước, có người chọn du học sớm, có người chọn du học muộn. Thế giới có 2 nền văn hóa chính là phương đông và phương tây, bạn trẻ nào biết được cả 2 nền văn hoá đương nhiên rất tốt, nhưng vẫn phải giữ được cái gốc, đó là Việt Nam.

Tương tự, Tiếng Anh cũng vậy. Học ngoại ngữ có tốt không? Câu trả lời là tốt, tuy nhiên Tiếng Anh là công cụ mang tính tối thiểu, điều cần nhất vẫn là giỏi Tiếng Việt. Bộ trưởng nhấn mạnh, “biết Tiếng Anh là tốt, nhưng nếu cảm thấy học Tiếng Anh quá khó và không học được cũng không sao”. Tất nhiên, khi đó sẽ phải có cái để bù lại, điển hình như công nghệ. Không giỏi Tiếng Anh không phải cản trở quá lớn, vì dù biết Tiếng Anh, thế hệ trẻ vẫn phải giỏi Tiếng Việt.

Bt Nmh Bdvn 9

Bộ trưởng cũng chia sẻ về cơ hội phát triển nghề nghiệp trên nhiều lĩnh vực, gợi mở cho các con những lối đi riêng để thành công trong cuộc sống sau này

Thế hệ trẻ sẽ là những người thay đổi đất nước Việt Nam

Ngoài ra, tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng cũng chia sẻ về cơ hội phát triển của các ngành vật lý, tài chính, phân tích dữ liệu, truyền thông – Marketing, AI, chuyển đổi số… Nhiều người vẫn đang cho rằng, học vật lý có ít có hội nghề nghiệp, tuy nhiên thực tế thì ngược lại, ngành vật lý vẫn là ngành gốc. Một trong những công việc nổi bật của ngành vật lý chính là bán dẫn. Đặc biệt, ngành vật lý đang “vắng vẻ”, cũng giống như biển xanh, ít cạnh tranh, nhưng rất căn bản và thế giới đang rất thiếu. Với các ngành nghề đang bão hòa như truyền thông – MKT, Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh thế hệ trẻ cần tìm ra điểm mạnh của mình, nên có cách tiếp cận mới và sáng tạo hơn, khác biệt với mọi người.

Nghề phân tích dữ liệu sẽ có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống, xã hội, từ y tế, nông nghiệp, giáo dục... đến thông tin và truyền thông. Trong khi đó, ngành công nghệ sẽ hội tụ với các ngành khác và biến đổi ngành đó, làm xuất hiện mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới. Công nghệ AI dù đang phát triển rất nhanh nhưng đó vẫn là một trợ lý giúp việc, do đó gần như không thể thay thế hoàn toàn con người. 

Bộ trưởng mong thế hệ trẻ sẽ là những người thay đổi đất nước Việt Nam, thậm chí là thay đổi thế giới. Thông qua chuyển đổi số, thế hệ trẻ hãy định nghĩa lại nghề nghiệp, từ đó có nhiều không gian để sống, để sáng tạo, để phát triển, không gì bằng chính mình định nghĩa cho chính mình.

Cuộc sống có 2 chữ, đó là chữ “và” và  chữ “hoặc”. Về cơ bản, con người đang sống với chữ “hoặc” nhiều hơn. Ví dụ, chúng ta có thể chọn làm cái này, làm cái kia, suy nghĩ theo hướng này hoặc hướng khác, chọn văn hoá phương đông hoặc phương tây, logic hay cảm tính... Tuy nhiên, thực tế là, chúng ta nên sống với chữ “và” nhiều hơn. Đặc biệt là với thế hệ trẻ, ngay cả trong cuộc sống và công việc, nếu tận dụng được chữ “và” sẽ càng tốt, cố gắng học và làm nhiều việc, rất nhiều thứ hoàn toàn có thể làm đồng thời.

1 K2 A9841

Bt Nmh Bdvn 11

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng bộ sách “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” cho 43 con CBCNV tại buổi gặp mặt

Cuối buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã ký tặng bộ sách “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” (gồm 8 cuốn) cho 43 thanh niên tiêu biểu là con CBNV Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Bộ trưởng chia sẻ, bộ sách là tổng hợp những vấn đề mà thế hệ trẻ đang gặp phải, một lần nữa nhấn mạnh thế hệ trẻ cần định nghĩa cuộc sống của mình.

Chia sẻ sau buổi nói chuyện của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng với thanh niên tiêu biểu là con CBNV Bưu điện Việt Nam, em Nguyễn Quang Minh chia sẻ: “Cháu thấy, Bác Bộ trưởng có kiến thức rất rộng, Bác cho chúng cháu những câu trả lời rất hay và bổ ích, những điều bác nói rất gần với những tâm tư, nguyện vọng, những thắc mắc của chúng cháu trong độ tuổi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, hay như cá nhân cháu, khi chuẩn bị bước vào Đại học cũng đã có rất nhiều tâm tư, những câu hỏi khó có thể tự giải đáp, nhưng khi được nghe Bác nói về các vấn đề định hướng, quy luật cuộc sống, nghề nghiệp thì cháu thấy mình được sáng tỏ hơn rất nhiều. Cháu rất cảm ơn Bác Bộ trưởng với những chia sẻ, sự quan tâm ý nghĩa của Bác với chúng cháu, những người con của bố mẹ làm Bưu điện”.

Mỹ Bình