Ngành Bưu điện ở miền Trung và câu chuyện tăng tốc thời kỳ đổi mới

Một giai đoạn đầy oai hùng của ngành Bưu điện, của người làm Bưu điện, trong đó có Bưu điện ở miền Trung - Tây Nguyên đã được ông Hồ Thế, nguyên Giám đốc Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng chia sẻ nhân dịp ngành Bưu điện nay là ngành Thông tin và Truyền thông kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống.

Ngành Bưu điện ở miền Trung sau năm 1975

Ông Hồ Thế được các thế hệ người Bưu điện đánh giá là lớp anh Hai không chỉ ở Quảng Nam - Đà Nẵng mà còn khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ở tuổi 81, ông vẫn còn nhanh nhẹn và trí nhớ mẫn tiệp để chia sẻ về những chặng đường phát triển của ngành Bưu điện và của Bưu điện miền Trung - Tây Nguyên.

Ong Ho The

Ông Hồ Thế, nguyên Giám đốc Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng

Ông cho biết từ ngày thống nhất đất nước đến nay, ngành Bưu điện phát triển qua bốn giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 1975 - 1985 là giai đoạn Ngành tiếp quản và khôi phục; Giai đoạn 2 từ năm 1985 - 1995, Ngành bắt đầu đổi mới nhưng trong vòng cấm vận của Mỹ. Giai đoạn này, Ngành phát triển rộng mạng lưới, thu hút, đào tạo lao động, kinh doanh và phục vụ được xếp vai trò quan trọng như nhau; Giai đoạn 3 từ năm 1995 - 2005, Ngành tăng tốc phát triển gắn liền với việc đất nước hội nhập quốc tế, “Ngành ta” chuyển từ công nghệ tương tự (analog) sang số (digital); Giai đoạn 4 kể từ sau năm 2005, Ngành ổn định phát triển, thay đổi mạng lưới, chia tách theo chuyên môn hóa.

Nhớ lại những ngày đầu khi thống nhất đất nước, ông Hồ Thế cho biết việc tiếp quản và vận hành hệ thống Bưu điện từ chế độ cũ rất nhiều gian truân. Năm 1975, miền Nam nói chung có hai hệ thống Bưu điện, đó là mạng Bưu điện cách mạng và mạng Bưu điện dân sinh của chế độ cũ.

“Tôi là một trong những người đầu tiên tiếp quản và sáp nhập hai mạng này trở thành một mạng chung cho các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhân dân”.

Theo ông Hồ Thế, thời đó cực kỳ gian khổ về kỹ thuật và dịch vụ. Một khó khăn nữa là tác hợp hai lực lượng lao động vì phía ta tiếp quản nguyên trạng lực lượng lao động từ chế độ cũ. Cả tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc đó có khoảng 100 người cũ (gọi là lực lượng lưu dung) và 200 người mới bao gồm lực lượng giao bưu và lực lượng kỹ thuật từ các chiến khu dồn về. Bên cạnh đó, các Bưu điện phía Nam còn tiếp nhận cả trang thiết bị mới và lao động mới từ ngoài Bắc đưa vào. Thời kỳ này kéo dài khoảng 10 năm.

Thời kỳ đổi mới và phát triển khoảng 10 năm (1985 - 1995) trong điều kiện Việt Nam bị cô lập, cấm vận, công nghệ mạng lưới chưa phát triển, trong đó chủ yếu sử dụng mạng hữu tuyến. Mạng vô tuyến có nhưng ít, công nghệ analog với nhiều nhược điểm như nhiễu, băng tần hẹp... Vì vậy, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Bưu chính có mạng lưới hẹp, ít điểm giao dịch. Thông tin đường dài và quốc tế còn hạn hẹp do nhu cầu thị trường chưa cao, công nghệ lạc hậu. Về lao động, giai đoạn này bắt đầu tiếp nhận và đào tạo lao động mới.

Đến năm 1995, khi Mỹ xóa bỏ cấm vận thì kinh tế - xã hội bắt đầu phát triển, nhu cầu thông tin liên lạc ngày càng cao, nhất là thông tin đường dài, quốc tế. Tuy nhiên, về công nghệ mạng lưới Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước, nhiều loại hình dịch vụ thế giới có nhưng ở Việt Nam không có, vì vậy yêu cầu phải phát triển là tất yếu.

Chuyển đổi từ analog sang digital

Giai đoạn 1995 - 2005 là thời kỳ đổi mới công nghệ, dịch vụ, tăng tốc phát triển. Ông Hồ Thế cho biết: Ngành ta bắt đầu chuyển đổi từ analog sang kỹ thuật số. Các yếu kém của mạng analog được khắc phục như cắt nhiễu, băng tần rộng hơn, phát triển đa dịch vụ... nên lượng thông tin phát triển rất nhanh.

Buu Dien

Nguyên Giám đốc Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng nhớ lại, lúc đó phát triển thuê bao nhiều, có ngày hơn cả tháng của các năm về trước. Rất nhiều dịch vụ bưu chính viễn thông mới ra đời như fax, Internet, điện thoại di động... Các bưu điện tỉnh thành “ăn nên làm ra”, doanh thu tăng nhanh. Cũng từ đó mà công tác quy hoạch mạng lưới, đào tạo nhân lực được tập trung phát triển rất nhanh. Nhiều cán bộ trong Ngành được cử đi đào tạo ở nước ngoài để học tập các công nghệ mới. Công tác quản lý sản xuất kinh doanh bài bản hơn. Cùng với đó, công tác chăm sóc đời sống người lao động tốt hơn rất nhiều. Các Bưu điện bắt tay vào công cuộc xây dựng con người mới.

Đặc biệt, nổi bật trong thời gian này là quá trình tin học hóa. Ông Hồ Thế cho biết, Bưu điện tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đánh dấu thành tích xuất sắc là đơn vị đầu tiên trong tỉnh sử dụng máy vi tính. Chiếc máy vi tính đầu tiên được sử dụng là vào năm 1992. Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng cũng là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc thành lập Phòng Quản lý mạng cáp từ năm 1997 và dùng hệ thống mạng máy vi tính để quản lý. Chính vì vậy, số liệu cáp rất chuẩn, việc đặt cáp tiết kiệm được vốn đầu tư nhiều, tạo mỹ quan cho các đô thị. Về bưu chính, Quảng Nam - Đà Nẵng tiên phong phát triển mạng lưới, dùng phong bì, tem dán keo đầu tiên trên toàn quốc. Các Bưu điện tỉnh, thành trên khắp cả nước “đổ về” Đà Nẵng học tập những kinh nghiệm hay này.

Cũng từ việc phát triển thuê bao tăng tốc “phi mã” mà có một chuyện buồn vui lẫn lộn. Ông Hồ Thế kể: Chuyện là Báo Đà Nẵng lúc đó có bài phê bình Giám đốc Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng lãng phí trong in danh bạ điện thoại vì năm nào Bưu điện cũng in danh bạ. “Khi đó, là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, được chất vấn, tôi đã trả lời cho rõ là không phải năm nào cũng in danh bạ mới mà Bưu điện dùng giải pháp lập “file” (tệp) quản lý rồi hằng năm chỉ in lại bản cập nhật mới với khả năng tự chịu chi phí để kịp phục vụ sự điều hành của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhu cầu sử dụng của nhân dân trong tỉnh thay vì mỗi cán bộ công chức, viên chức phải chồng một đống danh bạ trên bàn làm việc khi từng ngày, từng tháng, từng năm số điện thoại để bàn không ngừng tăng và chủ thuê bao không ngừng thay đổi. Lời giải thích của tôi được Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành”.

Buu Dien Da Nang

Được hỏi ai là người có công lớn nhất với ngành Bưu điện trong thời kỳ này, không ngần ngại, ông Hồ Thế trả lời ngay, là ông Ba Thân (ông Đặng Văn Thân - Tổng cục trưởng đầu tiên của Tổng cục Bưu điện). Thế người thứ hai là ai? Ông Thế hơi ngần ngừ, nói không thể chọn được một người thứ hai nhưng các ông Nguyễn Bá, Mai Liêm Trực và ông Đỗ Trung Tá là những người thứ hai.

“Lãnh đạo ngành Bưu điện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ xuất sắc từ Trung ương đến địa phương.

Theo đánh giá của ông Hồ Thế, thời kỳ tăng tốc, Lãnh đạo ngành Bưu điện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ xuất sắc từ Trung ương đến địa phương. Hỏi về các “đồng liêu” thời kỳ đó đóng góp nhiều cho ngành Bưu điện khu vực miền Trung, ông Hồ Thế kể vanh vách tên tuổi các ông: Hồ Sanh, Giám đốc Bưu điện Thừa Thiên - Huế; Võ Xuân Thanh, Giám đốc Giám đốc Bưu điện Quảng Ngãi; Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Bưu điện Bình Định; Thái Thắng, Giám đốc Bưu điện Khánh Hòa; Phạm Long Trận, Giám đốc Bưu điện Quảng Nam, sau này là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn VNPT. “Ở Quảng Trị có ông Thành, Quảng Bình có ông Niên, Đắk Lắk có ông Nam, Gia Lai có ông Lý, Hà Tĩnh có ông Tam, Kontum có ông Tấn, Lâm Đồng có ông Mân, PhúYên có ông Phán... là những Giám đốc Bưu điện tuyệt vời”.

Trầm ngâm trong giây phút, ông Hồ Thế nói, nhưng để có ngày hôm nay không thể nào quên những tấm gương sáng thời kỳ chiến tranh như đồng chí Triệu Xuân Chiện phá gỡ hơn 300 quả bom mìn để mở đường cho giao thông liên lạc, đến quả cuối cùng thì hy sinh. Đồng chí Huỳnh Thị Nhuận giao liên mật khi bị địch bắt đưa lên máy bay thì nhai nuốt tài liệu và lao xuống đất hy sinh. Anh hùng Ngô Lê Tân dành trọn đời mình để sửa chữa điện đài phục vụ thông tin liên lạc của chiến khu...

“Có thể nói mỗi thời kỳ mỗi khác nhưng người Bưu điện luôn giữ vững truyền thống 10 chữ vàng “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình”, ông Hồ Thế nói với tôi nhưng cũng như một lời tự sự với chính mình. Một cán bộ cả đời cống hiến cho Ngành Bưu điện.

Trịnh Quang (Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2024)