Ngày 6/9/2024, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ban hành Công điện số 3950/CĐ-BĐVN-ĐHBC về việc chủ động, khẩn trương ứng phó bão số 3 năm 2024 (tên quốc tế là YAGI). Công điện được gửi tới Bưu điện tỉnh/TP Miền bắc và các tỉnh Miền Trung đến Thừa Thiên Huế, Trung tâm Vận chuyển Kho vận miền Bắc và Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện EMS.
Hình ảnh cơn bão số 3 cập nhật lúc 11h sáng ngày 6/9/2024
Công điện nêu rõ, để chủ động ứng phó với bão số 3 và mưa lũ, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ thông tin và Truyền thông tại Công điện số 05/CĐ-BTTTT ngày 05/9/2024 về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024 và ưu tiên tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:
1. Kích hoạt triển khai phương án ứng phó với cấp độ rủi ro cao nhất, sát thực với đặc điểm của địa phương theo phương châm "4 tại chỗ", đa tình huống, bao gồm:
- Phương án đảm bảo an toàn mạng lưới tại các công đoạn chấp nhận, khai thác, chuyển phát; xây dựng kế hoạch tạm ngừng phục vụ, tổ chức tuyến phát, đường thư cấp 2, cấp 3 trong thời điểm địa bàn trọng điểm mưa bão, ngập lụt mất an toàn.
- Phương án đảm bảo an toàn trụ sở, bưu cục, nhà xưởng, thiết bị, tài liệu, túi gói bưu chính.
- Truyền thông, phổ biến phương án đến các bộ phận, tổ đội để nhanh chóng triển khai khi có tình huống xảy ra.
2. Gia cố, chằng chống nhà xưởng, biển hiệu; kê kích tài liệu, bưu gửi đề phòng mưa bão gây ngập lụt, cây đổ,… Lưu ý các biển hiệu có nguy cơ bay, rơi phải tạm thời tháo hạ để bảo đảm an toàn.
3. Kiểm tra rà soát các bưu cục, điểm BĐ-VHX; tuyến phát tại địa bàn dự báo có nguy cơ bão lốc, lũ quét, ngập lụt, sạt lở,... chủ động kê kích, di chuyển tài liệu, bưu gửi, hàng hóa, CCDC. Xây dựng kế hoạch tạm ngừng không bố trí người trực đêm tại các điểm xung yếu có nguy cơ mất an toàn nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn theo đúng khuyến cáo của chính quyền địa phương.
4. Bố trí lao động, phương tiện, trang thiết bị, công cụ, vật tư, hậu cần dự phòng, theo phương châm “ba sẵn sàng”,“ bốn tại chỗ” tại các cấp đảm bảo yêu cầu sẵn sàng khi có tình huống xảy ra. Triệu tập đội xung kích để phục vụ công tác phòng tránh, khắc phục tại chỗ; ứng cứu khi có tình huống thiên tai xảy ra.
5. Các BĐT/TP/TT, địa bàn trọng điểm trong vùng tâm bão đi qua tạm thời đóng cửa các Bưu cục, không tổ chức phát vào thời điểm bão đổ bộ; các địa bàn lũ lụt, sạt lở,… mất an toàn (Lưu ý bố trí lao động trực phát KT1, hỏa tốc khi có phát sinh).
6. Công ty Vận chuyển và Kho vận Bưu điện, Tổng công ty EMS triển khai phương án đảm bảo hoạt động khai thác, lưu thoát mạng cấp 1 đường bay, đường bộ, tàu hỏa; xây dựng kế hoạch bố trí lao động, phương tiện, vật tư, nhiên liệu, hậu cần dự phòng tại các Hub khai thác và trang cấp cho các xe thư cấp 1 hoạt động trong vùng mưa bão, đi hỗ trợ ứng cứu, lưu thoát hàng hóa khi có sự cố xảy ra trên mạng lưới.
7. Giám đốc Bưu điện tỉnh/thành phố/trung tâm trực tiếp chịu trách nhiệm điều hành công tác ứng phó với bão số 3. Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp thực hiện chế độ trực chỉ huy và trực đội xung kích ứng cứu 24/7 để theo dõi diễn biến, kịp thời chỉ đạo ứng phó khi có tình huống; thực hiện chuyển phát công văn KT1, hỏa tốc phục vụ chỉ đạo ứng phó theo yêu cầu của chính quyền cấp.
8. Bám sát, triển khai nhanh chỉ đạo của Sở TTTT, chính quyền địa phương các cấp; cập nhật các khu vực, địa bàn gián đoạn chuyển phát; thông báo phương án, kế hoạch triển khai đến các đơn vị liên quan để phối hợp, hỗ trợ; chủ động cập nhật thông tin các công đoạn, địa bàn bị gán đoạn theo hướng dẫn tại văn bản 4639/BĐVN-DVBC-DVKH ngày 17/11/2023 để Tổng công ty và các đơn vị trên mạng lưới có thông tin cung cấp kịp thời cho khách hàng tạo thuận lợi trong điều hành SXKD.
9. Kịp thời báo cáo thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả và các đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn để phối hợp, hỗ trợ xử lý.
Mỹ Bình