Tài liệu sinh hoạt Chi bộ tháng 12/2023

I - TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

Tổng Bí thư chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Sáng 22/11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; kết quả chỉ đạo giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài sản công, định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá, từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo (tháng 1/2023) đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện nghiêm Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cơ bản đáp ứng yêu cầu, có vụ vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật là, từ sau Phiên họp thứ 23 đến nay, Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc; đã khởi tố mới 12 vụ án/45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án; kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án/369 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/252 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/194 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/82 bị cáo.

Từ sau Phiên họp 24 đến nay, đã khởi tố mới 3 vụ án/9 bị can, khởi tố bổ sung 95 bị can trong 12 vụ án; kết luận điều tra 7 vụ án/174 bị can, kết luận điều tra bổ sung 3 vụ án/21 bị can; truy tố 5 vụ án/71 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/38 bị cáo; xét xử phúc thẩm 5 vụ án/11 bị cáo. Các cơ quan chức năng cũng đã chủ động phát hiện, đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, vi phạm có tổ chức, liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. Cụ thể như, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can (trong đó, có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương); vụ án xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm đến nay đã khởi tố 114 vụ án, 808 bị can tại 49 địa phương; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Sài Gòn Co.op.

5 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo đã hoàn thành xét xử sơ thẩm, gồm: Vụ án xảy ra tại Dự án khu thương mại và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; Vụ án xảy ra tại Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; Vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; Vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (giai đoạn II); Vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và đơn vị liên quan. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc nổi cộm, có nhiều dư luận, liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập,... Trong đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã tiến hành 9 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 76 tổ chức đảng liên quan các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC. Đến nay, đã hoàn thành 3 cuộc kiểm tra. Qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật 26 tổ chức đảng, 57 đảng viên, trong đó có 7 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (gồm: 3 nguyên Bí thư tỉnh ủy; 4 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).

Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đến các cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định. Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị hơn 232.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được hơn 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 49,44%). Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung xử lý dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,…

Từ nay đến hết năm 2023 phấn đấu: kết thúc xác minh, xử lý 10 vụ việc; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án; xét xử sơ thẩm 7 vụ án, xét xử phúc thẩm 3 vụ án. Nhất là, ban hành cáo trạng truy tố đối với 2 vụ án: Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan; Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty liên quan. Đưa ra xét xử sơ thẩm 4 vụ án trọng điểm: Vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác, nghiên cứu sản xuất kit test Covid-19 với Công ty Việt Á); Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan; Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Vụ án xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương tăng cường kiểm tra, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị chu đáo nội dung báo cáo, vừa bao quát vừa cụ thể và đề xuất được nhiều vấn đề để Thường trực Ban Chỉ đạo thảo luận. Các đồng chí dự họp trên cơ sở vị trí công tác của mình đã có ý kiến rất trách nhiệm, thiết thực nhằm rút ra những kinh nghiệm tốt cần tiếp tục phát huy và những mặt chưa tốt phải điều chỉnh. Qua đó, cuộc họp thống nhất cao tinh thần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cuộc đấu tranh này còn lâu dài, thực tiễn luôn biến động không ngừng cho nên phải kiên trì đấu tranh, vừa làm vừa tổng kết thực tiễn để làm tốt hơn nữa. Từ Trung ương tới địa phương, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tất cả đồng tâm, nhất trí làm cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Chỉ ra một số bất cập trong quy định của pháp luật, Tổng Bí thư nhấn mạnh đó là những sơ hở cần phải sớm có phương án khắc phục, làm sao để các vụ án, vụ việc phải được xử lý triệt để, bao giờ xong mới thôi, cần thiết thì ra thêm thời hạn; quá trình làm, các cơ quan chức năng thấy pháp luật quy định còn thiếu hoặc chưa phù hợp thì phải kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung. Làm tốt việc này thì cũng sẽ tránh được tình trạng chậm trễ, trì trệ, ảnh hưởng tiến độ công việc.

Tổng Bí thư đề nghị xem xét, đánh giá thực tiễn hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để phát huy những mặt đạt được, rút ra những kinh nghiệm hay nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, hiệu quả của các cơ quan này. Tại Cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm các kiến nghị, đề xuất tại Báo cáo kết quả chỉ đạo giám sát của Đảng đoàn Quốc hội; chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 25.

Chủ tịch nước tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023

Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 và tổ chức các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 14 đến ngày 17/11/2023. Đây là chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu 25 năm Việt Nam tham gia APEC. Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tiến trình của APEC.

Thành công của chuyến công tác có ý nghĩa hết sức quan trọng cả trong các hoạt động đối ngoại đa phương và song phương, góp phần tiếp tục duy trì và củng cố cục diện đối ngoại hòa bình, ổn định, thuận lợi sự phát triển đất nước. Trong khuôn khổ các hoạt động tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và các sự kiện liên quan, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có hàng loạt hoạt động bao gồm tham dự các cuộc họp, cuộc làm việc, tiếp xúc song phương...

Chủ tịch nước đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC lần thứ 30; tham dự và phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit); tiếp Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ APEC; dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo cấp cao Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF); dự đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC); dự đối thoại và ăn trưa và làm việc với Khách mời; dự Phiên họp hẹp các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Chủ tịch nước cũng đã dành thời gian thăm quan, nói chuyện với các doanh nghiệp Việt Nam có gian hàng trưng bày trong thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC.

Tại Hội nghị các Nhà Lãnh đạo các Nền Kinh tế APEC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu 3 bài học cho tương lai và 3 phương hướng hoạt động của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt, trong thời gian Tuần lễ Cấp cao APEC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và các khách mời. Chủ tịch nước đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với: Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry; Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim; Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah; Thủ tướng Canada Justin Trudeau; Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra. Tại các cuộc gặp, lãnh đạo các nền kinh tế, các khách mời đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, đẩy mạnh hợp tác chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, kết nối giữa các địa phương của Việt Nam và các nước, giao lưu nhân dân cũng như ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Thực hiện các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Thống đốc bang California Gavin Newsom; tiếp Phó Thị trưởng Los Angeles Erin Bromaghim. Chủ tịch nước đã tham dự và phát biểu tại Bàn tròn kết nối doanh nghiệp, địa phương về công nghệ cao; tiếp đại diện các công ty và tập đoàn lớn hàng đầu Hoa Kỳ về hàng không và công nghệ: Công ty Boeing và công ty Apple. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã thăm một gia đình Việt Kiều; gặp gỡ lãnh đạo và cán bộ các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Hoa Kỳ; thăm Bệnh viện Y, Đại học Stanford.

Đáng chú ý, Chủ tịch nước đã phát biểu, trao đổi chính sách tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR). Bài phát biểu của Chủ tịch nước về tình hình thế giới, đường lối đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tại CFR được các giới tại Hoa Kỳ đánh giá rất cao.

Thủ tướng tham dự Hội nghị COP 28 và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ

Chiều 28/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), hoạt động song phương tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 29/11 đến ngày 3/12, theo lời mời của Chính phủ UAE và Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là chuyến công tác có ý nghĩa quan trọng, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, là dịp thể hiện tầm vóc, vai trò và vị thế của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, khẳng định trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong tham gia xử lý các thách thức toàn cầu. Đặc biệt, chuyến công tác diễn ra ngay sau khi ra mắt cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chuyến công tác khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và UAE, Thổ Nhĩ Kỳ; phát đi thông điệp về cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn sàng tăng cường quan hệ hữu nghị, đối thoại và hợp tác cùng có lợi, xây dựng môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định với các nước. Qua đó tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về "tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế" và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; đồng thời là hoạt động có ý nghĩa đúng dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - UAE.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp

Sáng 29/11, Quốc hội đã bế mạc Kỳ họp thứ 6 sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao. Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. 

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 07 luật, 08 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 08 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp. 

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Khái quát và nhấn mạnh một số kết quả của Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2023 và thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; quyết định Kế hoạch đầu tư công năm 2024; cho ý kiến về báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; Kế hoạch tài chính - ngân sách, đầu tư công 03 năm 2024 - 2026; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; vừa chú trọng giải quyết các khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc trước mắt vừa phải bám sát các mục tiêu, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế, trên cơ sở thúc đẩy các đột phá chiến lược. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh, gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội, sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm…

Thông qua nhiều luật, giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách

Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 02 nghị quyết quy phạm pháp luật và 07 luật. Quốc hội đã tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh. Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. 

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 02 dự án Luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành. 

Đẩy nhanh tiến độ các Chương trình mục tiêu quốc gia

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng, nhiều kiến nghị, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Quốc hội đồng ý để Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và việc phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 với 21 lĩnh vực thuộc 04 nhóm nội dung: kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội. 

Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, rộng rãi và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri, Nhân dân cả nước...

Từ thành công và kết quả tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cùng nhiều kết quả quan trọng đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực và tâm huyết của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, hoàn thành cao nhất các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng".

Để các luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả Kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, nhất là về những vấn đề cấp bách nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời, phù hợp; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. 

II - TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI VÀ CƠ SỞ

Nỗ lực xứng đáng là lực lượng tiên phong, khẳng định vai trò của doanh nghiệp Nhà nước

Sáng 25/11, tại Hà Nội, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì buổi làm việc với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về kết quả công tác nửa nhiệm kỳ 2020-2025 và năm 2023. Tham gia chủ trì buổi làm việc, có  đồng chí Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Cùng dự buổi làm việc, có đồng chí Nguyễn Quang Dương, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Khối; đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối, Uỷ viên BCH Đảng bộ Khối; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ; Chủ tịch HĐTV/HĐQT, Tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước trong Khối.

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối cho biết, nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 và năm 2023, Đảng ủy Khối đã bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khối lần thứ III và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các buổi làm việc, Đảng ủy Khối và các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ đã chủ động ban hành và triển khai các nghị quyết, chương trình công tác năm, ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện, triển khai đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh.

Năm 2023, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối chọn chủ đề công tác năm: “Tập trung xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ”, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch, vừa quyết liệt hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, thành lập cơ quan, tham mưu giúp việc tại các đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, tổ chức triển khai sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối; tiếp tục thực hiện sơ kết, tổng kết các nghị quyết, quy định của Trung ương; rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế và tổ chức thực hiện các quy chế, quy định phù hợp với văn bản mới của Trung ương.

Công tác chính trị, tư tưởng được tiếp tục được đổi mới. Việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất, đồng thuận. Công tác kiện toàn, củng cố tổ chức đảng được thực hiện thường xuyên. Công tác cán bộ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý đúng quy trình, quy định. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nền nếp, đúng kế hoạch.

Công tác dân vận của Đảng tiếp tục được quan tâm; các phong trào thi đua yêu nước và “Dân vận khéo” được lan tỏa. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp ngày càng đi vào nền nếp, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng doanh nghiệp.

Các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối cố gắng, nỗ lực có nhiều giải pháp trong sản xuất kinh doanh đạt kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế; là công cụ quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động của thị trường, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, công tác an sinh xã hội; thực hiện nghiêm nghĩa vụ với Nhà nước, đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia.

Tại buổi làm việc, đại diện các đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước trực thuộc đã phát biểu nhiều nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị; đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác Đảng, nâng cao chất lượng, cải tiến phong cách, lề lối làm việc của các đảng bộ trực thuộc...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng ủy Khối nói chung, các đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng. Đồng chí Thường trực Ban Bí thư khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, ưu tiên, tập trung đầu tư cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Trong thời gian qua, Đảng ủy Khối có nhiều nỗ lực, ban hành nhiều văn bản, tích cực thể chế hóa, cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã xây dựng, ban hành Chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết, Chương trình công tác nhiệm kỳ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo trong cả nhiệm kỳ và hằng năm, bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, đặc biệt nghị quyết Trung ương lần thứ 3, 4, 5, 6, 7 và các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tán thành 6 nhiệm vụ trọng tâm Đảng ủy Khối đề ra, đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, các đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước của Đảng ủy Khối nhận thức sâu sắc, đầy đủ và toàn diện về vị trí, vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực. Thông tin về vấn đề quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031 tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV với tinh thần phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ; làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch. Trong đó, đại diện một số doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện quy hoạch nhằm góp phần tham mưu cho Đảng về đường lối, quan điểm, chủ trương đối với khu vực doanh nghiệp.

Với 36 đảng bộ trực thuộc của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại, hơn 142 nghìn đảng viên (đứng thứ 6/67 tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương), đồng chí Thường trực Ban Bí thư khẳng định: “Đảng mạnh thì doanh nghiệp mạnh, doanh nghiệp mạnh thì Đảng mạnh. Với mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau, cán bộ của Đảng, phải được Đảng quan tâm, đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch, phát triển và liên thông trong hệ thống chính trị”.

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư mong muốn, các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, tập trung sức mạnh để phát huy truyền thống, nền tảng đã được xây dựng, củng cố trong bối cảnh khó khăn, thách thức. Từ đó, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong khối doanh nghiệp, xứng đáng là doanh nghiệp Nhà nước về tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, năng lực quản trị tiên tiến, văn hóa, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, đóng góp cao nhất cho các mục tiêu phát triển đất nước đến giai đoạn 2030-2045.

Hội nghị Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương tháng 11/2023

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ tháng 11/2023. Đồng chí Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, có đồng chí Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Khối; các đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ Khối: Lê Văn Châu, Hồ Xuân Trường; đại diện lãnh đạo cấp vụ Ban Nội chính Trung ương và các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến vào Tờ trình về kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch chức danh Bí thư, Phó Bí thư; việc kiện toàn bổ sung Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; điều chỉnh cơ cấu đề án nhân sự Uỷ ban Kiểm tra các đảng ủy trực thuộc, nhiệm kỳ 2020-2025 và 2025-2030; cho ý kiến về nhân sự quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối, giai đoạn 2026 - 2031; Tờ trình về việc ban hành Quy trình kiểm tra, giám sát và xem xét, thi hành kỷ luật đảng của chi bộ trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương; Tờ trình về việc xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các nội dung khác. 

Hội nghị góp ý vào dự thảo Quy chế làm việc mẫu của Ban Chấp hành Đảng bộ cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương và Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị góp ý vào dự thảo Quy chế làm việc mẫu của Ban Chấp hành Đảng bộ cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước. Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, có đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối; đại diện lãnh đạo cấp Vụ Ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo các ban, đơn vị của Đảng uỷ Khối; thành viên Tổ Biên tập; các đồng chí bí thư (phó bí thư thường trực), trưởng ban tổ chức 15 đảng uỷ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng uỷ Khối.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng uỷ Khối cho biết: Thực hiện Quy định số 87-QĐ/TW, ngày 28/10/2022 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Đảng uỷ cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị để các đảng uỷ cấp trên cơ sở tham gia góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Quy chế làm việc (mẫu) của Ban Chấp hành Đảng bộ doanh nghiệp trước khi trình Ban Bí thư. Quy chế này ban hành sẽ là căn cứ để các đảng uỷ trực thuộc triển khai thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng doanh nghiệp; công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo đúng quy định.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia góp ý vào dự thảo Quy chế làm việc mẫu của Ban Chấp hành Đảng bộ cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Dự thảo Quy chế làm việc mẫu gồm 5 Chương với 22 Điều. Nội dung Quy chế làm việc đầy đủ, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, mối quan hệ công tác, nguyên tắc, chế độ làm việc,… đồng thời bổ sung những nội dung mới phù hợp với thực tiễn và các quy định mới của Đảng. Đồng chí Nguyễn Quang Dương đề nghị Tổ Biên tập tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị; tổng hợp trình Ban Tổ chức Trung ương trong thời gian tới, sớm ban hành Quy chế làm việc mẫu để thực hiện.

Lớp bồi dưỡng Ủy viên Ban Thường vụ các Đảng ủy trực thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Thực hiện Kế hoạch số 106-KH/ĐUK, ngày 31/10/2023 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, từ ngày 08/11/2023 - 10/11/2023, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp với Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lớp bồi dưỡng cho Ủy viên Ban Thường vụ là trưởng các cơ quan tham mưu, giúp việc đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối năm 2023.

Tham dự lớp bồi dưỡng có 24 đồng chí là Trưởng ban Tuyên giáo, 22 đồng chí là Trưởng ban Tổ chức, 25 đồng chí là Chủ nhiệm/Thủ trưởng cơ quan Ủy ban Kiểm tra và 02 đồng chí là Chánh văn phòng đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối. Tại lớp bồi dưỡng, các học viên đã được các giảng viên là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ đồng thời là lãnh đạo Học viện, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các viện chuyên ngành của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với kiến thức lý luận và thực tiễn sâu sắc, phong phú đã truyền đạt nội dung của các chuyên đề nhằm củng cố, bổ sung kiến thức cơ bản, cốt lõi về: (1) Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; (2) Kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay; (3) Nhiệm vụ, quyền hạn, phương pháp công tác của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước. Việc bảo đảm vai trò lãnh đạo xuyên suốt, toàn diện của đảng ủy trong doanh nghiệp Nhà nước; (4) Nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; (5) Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; (6) Vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thông qua các nội dung chuyên đề bài giảng phù hợp với đặc thù đội ngũ cán bộ trong Đảng bộ Khối và với sự truyền đạt hiệu quả của các giảng viên đã góp phần giúp cho các học viên nhận thức rõ hơn những vấn đề mới đang đặt ra đối với cấp ủy trong doanh nghiệp Nhà nước, xác định rõ trách nhiệm trên cương vị công tác hiện tại và vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm được truyền đạt vào phục vụ tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ công tác của cấp ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối trong thời gian tới.

Phát biểu bế giảng lớp học, đồng chí Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã biểu dương tinh thần và kết quả học tập của các đồng chí học viên. Đồng chí nhấn mạnh: Việc mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí lãnh đạo cấp ủy đảng, lãnh đạo doanh nghiệp các cấp là hoạt động phối hợp thường niên với yêu cầu phải đảm bảo nội dung liên quan về lý luận chính trị, công tác xây dựng Đảng, công tác lãnh đạo, quản lý nhưng đồng thời có cả nội dung chuyên môn về quản lý doanh nghiệp tại các đơn vị, do đó, đây cũng là một nhiệm vụ nặng nề mà Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương giao cho Học viện. 

Qua báo cáo tổng kết lớp, có thể thấy chương trình năm nay khá phù hợp và bổ ích với các học viên. Học viện sẽ tiếp tục xây dựng, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia kinh tế đầu ngành trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình, chuyên đề bồi dưỡng tại Học viện ngày một chất lượng, thực tế và hiệu quả, vừa làm tốt nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, vừa nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, vừa cập nhật với những vấn đề quản lý doanh nghiệp hiện đại trong nước và quốc tế. Trong quá trình học tập, các đồng chí học viên đã chấp hành nghiêm túc quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, hầu hết đã tham gia đầy đủ các buổi học; phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong việc tham gia trao đổi, thảo luận, đóng góp vào thành công chung của lớp học. Đặc biệt, thông qua lớp bồi dưỡng cũng là dịp để các học viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp xử lý các tình huống đã và đang diễn ra ở mỗi đơn vị, doanh nghiệp; cùng hỗ trợ, phối hợp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn và công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới của mỗi cá nhân, đơn vị. Kết thúc khóa học, 100% học viên đủ điều kiện viết bài thu hoạch và được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng.

Hội nghị lần thứ 17, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Ngày 31/10/2023, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ 17, đồng chí Phan Công Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối chủ trì Hội nghị.

Hội nghị xem xét, kết luận một số nội dung, cụ thể như sau:

  1. Xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm thuộc Chi bộ Đầu tư xây dựng - Quản lý dự án nhiệm kỳ 2020-2022, trực thuộc Đảng ủy Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển

Sau khi nghe Đoàn Kiểm tra số 39 của UBKT Đảng ủy Khối báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với đồng chí Võ Anh Tuấn, Bí thư Chi bộ và các đồng chí Chu Văn Thước, đồng chí Nguyễn Anh Long, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ Đầu tư xây dựng - Quản lý dự án nhiệm kỳ 2020-2022, trực thuộc Đảng ủy Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển; UBKT Đảng ủy Khối đã thảo luận, xem xét, kết luận và biểu quyết bằng phiếu kín, quyết định thi hành kỷ luật đối với đồng chí Võ Anh Tuấn bằng hình thức Cảnh cáo; thi hành kỷ luật đồng chí Chu Văn Thước và Nguyễn Anh Long bằng hình thức Khiển trách.

  1. Về kết quả thực hiện Thông báo Kết luận Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tại Đảng bộ HUD4 của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối.

Sau khi nghe Đoàn Kiểm tra số 30 báo cáo kết quả thực hiện Thông báo số 88-TB/UBKTĐUK, ngày 21/8/2023 về Kết luận Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tại Đảng bộ HUD4 của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối, UBKT Đảng ủy Khối thảo luận và thống nhất: (1). Đồng ý với Báo cáo của Đoàn Kiểm tra về kết quả kiểm điểm của các tổ chức đảng và kết quả xem xét, xử kỷ thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm; (2). Giao Thường trực UBKT Đảng ủy Khối có văn bản chỉ đạo Ban Thường vụ Đảng ủy HUD tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng có liên quan tiếp tục thực hiện đầy đủ yêu cầu tại Thông báo số 88-TB/UBKTĐUK; (3). Xem xét thi hành kỷ luật về hành chính đối với các cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật về đảng; (4). Thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ bị kỷ luật theo Quy định số 41-QĐ/TW; (5). Giao Phòng Nghiệp vụ I theo dõi, đôn đốc Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty HUD triển khai thực hiện.

  1. Xem xét, kết luận giám sát chuyên đề đối với Đảng ủy và đồng chí Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ Tổng Công ty Cà phê Việt Nam

Sau khi nghe Đoàn Giám sát số 38 báo cáo, UBKT Đảng ủy Khối thảo luận và thống nhất: Yêu cầu Đoàn Giám sát số 38 tiếp thu các ý kiến tham gia của Ủy viên UBKT; bổ sung, làm rõ một số nội dung trong báo báo cáo; trình Thường trực UBKT cho ý kiến trước khi xin ý kiến UBKT Đảng ủy Khối.

Đối với Dự thảo quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và giải quyết tố cáo của chi bộ. Đồng chí Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối đề nghị các đồng chí Ủy viên UBKT tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến trực tiếp vào dự thảo văn bản gửi về Cơ quan UBKT trước ngày 06/11/2023 để tiếp thu, trình Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối.

UBKT Đảng ủy Khối yêu cầu, UBKT các đảng ủy trực thuộc chủ động tham mưu cấp ủy cùng cấp triển khai thực hiện hoàn thành chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 của cấp ủy và UBKT.

Giá điện tăng ảnh hưởng đến ngành thép

Ngày 09/11/2023 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra thông báo, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5%. Với lần tăng giá điện này, cộng với mức tăng giá lần 1 (ngày 4/5/2023), giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh từ đầu năm. Với ngành thép, điện được xem là một trong những chỉ tiêu tiêu hao năng lượng chính trong quá trình sản xuất thép, đặc biệt ở công đoạn luyện thép bằng lò điện (chi phí điện chiếm 7-8% trong sản xuất thép).

Trước thực tế này, ngoài các đề xuất về chính sách hỗ trợ của chính phủ, các cơ quan quản lý và kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp thép, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) chỉ đạo các doanh nghiệp trong hệ thống áp dụng các giải pháp sau: Tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện; Áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả như: sản xuất trong giờ thấp điểm, tăng cường phun than và thổi oxy trong quá trình luyện thép để giảm tiêu hao năng lượng tổng thể, tận dụng nhiệt dư trong quá trình luyện thép để tái sử dụng và nhiều biện pháp khác. 

Một số doanh nghiệp trong Khối đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam 2023

Trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ ba năm 2023 với chủ đề: “Văn hóa kinh doanh - dòng chảy phát triển và hội nhập” vừa được tổ chức tại T.P Hồ Chí Minh, đã có 20 doanh nghiệp được vinh danh là “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2023, trong đó có một số đơn vị thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Diễn đàn do Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện. Để được công nhận đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc, gồm 5 nhóm chính: Nhóm 1 - Các tiêu chí về lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Nhóm 2 - Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Nhóm 3 - Thượng tôn pháp luật; Nhóm 4 - Đạo đức kinh doanh; Nhóm 5 - Trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó là 16 tiêu chí và 40 chỉ số như: Tiêu chí định hướng phát triển bền vững, bộ máy tổ chức nguồn lực, hệ thống truyền thông thương hiệu, quản trị tri thức trong doanh nghiệp, uy tín trong kinh doanh,…

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG