Công bố Quyết định xếp hạng và đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp thành phố Đài tưởng niệm liệt sỹ ngành Bưu điện Quảng Nam – Đà Nẵng

Ngày 19/11/2024, UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức Lễ công bố Quyết định xếp hạng và đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp thành phố Đài tưởng niệm liệt sỹ ngành Bưu điện Quảng Nam – Đà Nẵng

Tham dự buổi lễ, có các đồng chí đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và thành phố Đà Nẵng, đại diện các Sở ban ngành; Lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn, các đồng chí trong Ban thường vụ Quận ủy, UBND, UBMTTQ quận, các cơ quan tham mưu giúp việc quận, các phòng, ban, các hội, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; Lãnh đạo ngành Bưu chính Viễn thông qua các thời kỳ, các đồng chí nguyên là cán bộ Ban Giao bưu tỉnh Quảng Đà và thân nhân; Lãnh đạo Đảng ủy, UBND, UBMTTQ các phường thuộc quận, các ban, ngành, hội đoàn thể, khu dân cư phường Khuê Mỹ.

Da Nang   Di Tich 2

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trao Quyết định và Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố
cho Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Giám đốc Bưu điện - Viễn thông tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng

Tại buổi lễ, đồng chí Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND khẳng định: Xuyên suốt chiều dài đấu tranh giành độc lập của dân tộc cho đến khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, trên dải đất Quảng Nam - Đà Nẵng đã ghi dấu bao chiến công thầm lặng của các chiến sỹ giao bưu thông tin anh hùng. Tinh thần quả cảm và anh dũng của họ đã đi vào lòng người với những chiến công hiển hách, những đợt tiến công mãnh liệt, những cuộc đấu tranh chính trị cam go, những tập thể Đảng, đoàn kiên cường bám trụ...

Ngay khi hòa bình vừa lập lại, năm 1975 cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện đã góp công góp sức xây dựng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ngành Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng để tưởng nhớ các liệt sỹ giao bưu đã ngã xuống.

Gần 50 năm trôi qua, Đài tưởng niệm những liệt sỹ thuộc lực lượng giao bưu, thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng cùng với hệ thống Đài tưởng niệm liệt sỹ trên địa bàn thành phố trở thành nơi lưu giữ hồn dân tộc, là nơi giáo dục và thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết không chỉ của các thế hệ người Bưu điện, mà còn có sức mạnh lan tỏa trong cộng đồng, động viên tinh thần không ngừng vươn lên của nhân dân quận Ngũ Hành Sơn nói riêng và của nhân dân toàn thành phố nói chung, đóng góp vào công cuộc đổi mới của thành phố Đà Nẵng và sự phát triển của Ngành Bưu điện.

Với ý nghĩa đó, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ngành Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng đã được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND cảm ơn các thế hệ lãnh đạo ngành Bưu điện trong thời gian qua đã quan tâm chăm sóc tôn tạo để Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng ngày càng tươi đẹp như hôm nay, mong muốn các anh chị lãnh đạo ngành Bưu điện, ngành Thông tin Truyền thông hiện nay tiếp tục phát huy những gì đã làm được gần 50 năm qua, tham gia cùng chính quyền các cấp quản lý tốt di tích lịch sử này.

Cũng tại buổi Lễ, ông Đặng Đình Cơ, Nguyên Giám đốc Bưu điện thành phố Đà Nẵng, đại diện cán bộ chiến sỹ Ban Giao bưu và Thông tin tỉnh Quảng Nam và Đặc khu ủy Quảng Đà chia sẻ: Tôi thật sự vui mừng, tự hào và hết sức xúc động, bởi đó là sự quan tâm đầy trách nhiệm của lãnh đạo các cấp đối với quá trình cống hiến của lực lượng Giao bưu Thông tin trong sự nghiệp giải phóng dân tộc bảo vệ đất nước. Trong những tháng năm đầy gian khổ hy sinh, lực lượng Giao bưu Thông tin tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Biết hy sinh và dám hy sinh cá nhân để phục vụ lợi ích của đảng của dân tộc. Nhờ lòng trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng mà nhiều đồng chí đã chấp nhận hy sinh để che chở, đưa đón, bảo vệ cán bộ được an toàn. Công văn tài liệu được chuyển đến nơi đến chốn, không để lọt vào tay địch, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến, chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng là chiến trường ác liệt nhất, là nơi đầu sóng ngọn gió, là điểm đồn của chiến trường miền Nam nên sức chịu đựng vô cùng ác liệt, gian khổ hy sinh của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng vô cùng to lớn, trong đó lực lượng Giao bưu Thông tin là lực lượng đi đầu trong chiến đấu và công tác nên tất cả các chiến công của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng đều có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng Giao bưu Thông tin.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng Giao bưu Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng hy sinh hơn 615 đồng chí, hàng ngàn đồng chí bị thương tật, bị nhiễm chất độc da cam, bị tù đày và cho đến nay vẫn còn những hài cốt nằm nơi rừng núi chưa được quy tập về với gia đình. Sự hy sinh đó là giá trị tinh thần vô giá không gì có thể bù đắp được.

Da Nang   Di Tich 1

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mở bảng di tích

Giới thiệu tóm tắt lịch sử di tích được xếp hạng, bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Giám đốc Bưu điện thành phố Đà Nẵng cho biết: Chiến tranh đã qua đi, nhưng những mất mát hy sinh gắn với những năm tháng hào hùng ấy thì không thể phai mờ và không được phép lãng quên. “Trong hai cuộc kháng chiến, ngành Giao bưu Thông tin tỉnh Quảng Đà đã lập được 130 trạm thông tin, 300 tổ giao liên,  nhận chuyển và phát hơn 22 triệu tài liệu, báo chí, công văn; hơn 20 triệu lá thư; vận chuyển 3.350 tấn vũ khí, đạn dược; đưa đón hơn 450 ngàn lượt cán bộ, chiến sỹ; nhận chuyển hàng triệu bức điện báo và đã chiến đấu trên 275 trận đánh để giữ vững mạch máu ngành thông tin liên lạc khu V, loại khỏi vòng chiến đấu 1.560 tên địch. Để có được những thành tích đó, ngành Giao bưu Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng đã phải đánh đổi bằng sự hy sinh của hơn 600 đồng chí, hàng ngàn đồng chí khác bị thương tật, tù đày, đến nay vẫn còn hàng trăm đồng chí hy sinh còn nằm lại ở các chiến trường chưa thể tìm được hài cốt về để gia đình hương khói”.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Quảng Nam - Đà Nẵng hình thành vùng tự do và vùng tạm chiếm. Ngành thông tin liên lạc của tỉnh đã khắc phục mọi thiếu thốn, gian khổ, để đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời. Mạng thông tin ở vùng tạm chiếm đã mở được nhiều hành lang, đường dây liên lạc đưa đón bộ đội từ vùng tự do đến đèo Hải Vân, khu Trung Hoà Vang... để mở các chiến dịch tiến công quân Pháp. Có chiến dịch hơn 2.000 bộ đội, du kích tham gia nhưng vẫn đảm bảo an toàn khi vượt sông, vượt đường. Nhiều cán bộ chiến sĩ đi bộ từ 60-70 km/ngày, để đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời, thông suốt, không ngại gian khổ hy sinh, lặn lội trong vùng địch hậu đưa đón cán bộ và chuyển đưa tài liệu, chỉ thị, mệnh lệnh, báo cáo.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, từ đầu năm 1960, Ban giao bưu tỉnh được thành lập. Nhiệm vụ của Ban là củng cố, phát triển mạng lưới thông tin trên khắp các địa bàn tỉnh, nối thông liên lạc với Khu ủy và Trung ương. Mạng vô tuyến điện lúc đầu chỉ có một tổ, một đài; cuối năm 1962 đã có 40 đài. Mạng giao bưu của các huyện, thị phát triển đều khắp: huyện có Ban giao bưu gồm 15 đồng chí, xã có một tổ giao liên từ 3 đến 5 đồng chí. Trên các tuyến đường dây, nhiều trạm liên lạc được thành lập để chuyển chỉ thị, mệnh lệnh, tài liệu hoặc đưa đón cán bộ... đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời, chính xác phục vụ cho chỉ huy, chỉ đạo trên chiến rường. Nhiều chiến sĩ giao liên, đã mưu trí, dũng cảm, đưa đón cán bộ, vận chuyển tài liệu qua sông, qua đường giao thông dày đặc quân Mỹ, gặp địch đánh địch, xoi đường mới để đi.

Sau ngày thống nhất đất nước, tiếp quản thành công và từng bước ổn định được tổ chức và mạng lưới. Với biết bao sự tích, sự kiện là những dấu ấn lịch sử về đóng góp của lực lượng giao bưu thông tin trong suốt chặng đường kháng chiến. Thế hệ tiếp bước theo sau “Ăn quả nhớ kể trồng cây”, với sự đồng lòng của toàn thể CBCNV và sự ủng hộ của chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban lãnh đạo Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng đã khởi công xây dựng Đài tưởng niệm những liệt sỹ lực lượng giao bưu, thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ngành Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng được xây dựng năm 1975 trên mảnh đất đã thấm máu đào của các liệt sỹ giao bưu. Đến năm 1995, Đài tưởng niệm được nâng cấp và tôn tạo với quy mô lớn nhân dịp kỷ niệm lần thứ 38 năm ngày Thương binh liệt sỹ từ nguồn chi phí Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng và có phần đóng góp của cán bộ công nhân viên xây dựng và bảo tồn cho đến ngày nay.

Kết lại bài phát biểu của mình, bà Nguyễn Thị Khánh Nga bày tỏ: Để tưởng nhớ công ơn của các liệt sỹ, cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện - Viễn thông Quảng Nam và Đà Nẵng hôm nay xin hứa sẽ đem hết sức mình bảo vệ, gìn giữ những nét đẹp và đồng thời lưu truyền, phát huy truyền thống ấy cho các thế hệ mai sau không thể phai mờ và không được phép lãng quên.

Giao Thủy