Sơn La chi trả trợ cấp ưu đãi qua bưu điện cho hơn 26.500 lượt người có công

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sơn La vừa có báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện chi trả chế độ ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện. Theo đó, trong năm 2022, toàn tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi qua bưu điện cho hơn 26.500 lượt người có công với cách mạng.

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và quyết định của UBND tỉnh Sơn La, bắt đầu từ cuối năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bưu điện tỉnh Sơn La ký hợp đồng hợp tác khung về việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện, hình thức chi trả tại nhà.

Đến nay, qua 03 năm triển khai thực hiện, việc chuyển đổi phương thức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công cách mạng qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác chi trả trợ cấp của Cơ quan Bưu điện luôn được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ, hình thức chi trả tại gia đình hợp lý, thuận lợi cho người hưởng chính sách; phù hợp với địa hình cắt cứ, đi lại khó khăn và hạ tầng chi trả tại các điểm chưa đảm bảo.

Son La Chi Tra Ncc

Chi trả trợ cấp ưu đãi tới tận nhà đối tượng người có công (ảnh minh họa)

Hoạt động chi trả trợ cấp ưu đãi qua hệ thống bưu điện đã tách bạch trong việc tổ chức chi trả với xét duyệt hồ sơ và giải quyết chế độ. Từ đó, tạo ra sự đối chiếu, kiểm soát chéo giữa hai đơn vị độc lập (cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội và Cơ quan Bưu điện) giúp hạn chế sai sót, chậm trễ hoặc trục lợi chính sách.

Bên cạnh đó, việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công đã đảm bảo đúng người, đúng chế độ, đúng thời gian quy định, đem lại sự hài lòng của người có công trong việc thực hiện chính sách ưu đãi. Đồng thời, đảm bảo an toàn về tiền mặt trên đường vận chuyển và đến tận tay người thụ hưởng; quản lý chặt chẽ các đối tượng hưởng chế độ; chấp hành đúng chế độ kế toán, báo cáo thanh quyết toán và quản lý lưu giữ chứng từ kế toán theo quy định...

Đến nay, việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, giúp giảm áp lực cho cán bộ, công chức cấp xã. Công tác chi trả kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; mạng lưới bưu cục rộng, đáp ứng yêu cầu trong quá trình chi trả trợ cấp.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố đã tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành văn bản triển khai công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Thực hiện ký hợp đồng cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện từ tháng 5/2022 với Bưu điện huyện, thành phố. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tuyên truyền việc chuyển đổi phương thức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công từ tổ chi trả của xã sang chi trả qua hệ thống bưu điện.

Hàng tháng trước ngày chi trả 03 ngày, Bưu điện huyện có văn bản gửi Chủ tịch UBND xã và các ban liên quan của xã về lịch chi trả trợ cấp cho đối tượng. Đồng thời, phối hợp UBND xã thực hiện niêm yết công khai danh sách chi trả tại địa điểm chi trả và thông báo trên đài truyền thanh của các xã, thị trấn trước 02 ngày, mỗi ngày đọc thông báo 02 lần trên loa truyền thanh của xã để đối tượng biết thời gian chi trả để đến nhận tiền. Trường hợp gần cuối ngày chi trả mà đối tượng chưa đến lĩnh tiền, nhân viên chi trả thực hiện gọi điện thoại trực tiếp đôn đốc đối tượng đến nhận để hạn chế việc sao kê.

Việc tổ chức chi trả trợ ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện tại các huyện, thành phố được thực hiện theo Phương án và Hợp đồng nguyên tắc mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bưu điện tỉnh đã ký, đảm bảo về kinh phí và nhân lực tổ chức chi trả.

Cụ thể: trước ngày 30 hàng tháng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bàn giao dữ liệu người hưởng chính sách tăng, giảm, điều chỉnh, trợ cấp một lần và các chế độ chi trả khác của đối tượng về phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện thành phố thực hiện rà soát, in danh sách và giấy báo kèm theo, thực hiện rút dự toán chuyển kinh phí chi trả trợ cấp vào tài khoản tiền gửi của Bưu điện huyện trước ngày mồng 3 hàng tháng. Bưu điện huyện, thành phố nhận danh sách chi trả từ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, đối chiếu với số tiền phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã chuyển, tiến hành lập kế hoạch chi trả chi tiết về thời gian, địa điểm đến từng hộ gia đình. Thống nhất với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các xã, phường, thị trấn để phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát chi trả.

Bưu điện cấp huyện tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi cho đối tượng hưởng tại nhà theo đúng lịch đã thông báo. Đảm bảo 100% việc chi trả đã thực hiện công khai danh sách chi trả theo hình thức niêm yết danh sách tại UBND các xã, phường, thị trấn.

Trước ngày 25 hàng tháng, Bưu điện cấp huyện lập bảng tổng hợp quyết toán tình hình chi trả của toàn huyện, chuyển chứng từ chi trả (bản gốc danh sách chi trả đã có chữ ký nhận của người hưởng), tổng hợp danh sách đối tượng chưa nhận tiền, kinh phí không chi hết trong tháng cho phòng Lao động -Thương binh và Xã hội để thống nhất, xác nhận lập và ký biên bản thanh quyết toán...

Có thể thấy, sau 3 năm triển khai thực hiện, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công thông qua hệ thống dịch vụ Bưu điện ở Sơn La bước đầu tuy còn khó khăn nhưng được sự quan tâm của UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng Lao động -Thương binh và Xã hội, Bưu điện huyện, UBND xã và công chức Lao động - Thương binh và Xã hội các xã, thị trấn. Do đó, việc triển khai được thực hiện đồng bộ, đảm bảo việc chi trả trợ cấp cho đối tượng người có công được kịp thời, chính xác, nhanh chóng hơn so với trước đây, qua đó khẳng định tính đúng đắn về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Việc thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công thông qua hệ thống dịch vụ Bưu điện cho thấy sự tách bạch trong việc xét duyệt trợ cấp và tổ chức chi trả; thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các dịch vụ công; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng phục vụ xã hội; tạo thuận lợi trong kiểm tra, giám sát; minh bạch, kịp thời trong chi trả, đảm bảo an toàn nguồn tiền chi trả; giảm áp lực, thúc đẩy tính chuyên nghiệp và nâng cao trình độ quản lý, xét duyệt hồ sơ của cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các xã, thị trấn.

Đồng thời, giảm được rủi ro trong quá trình nhận, vận chuyển tiền từ huyện về xã để chi trả cho đối tượng thụ hưởng. Qua 3 năm triển khai, quy trình chi trả trợ cấp ưu đãi người có công được thực hiện đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, chưa xảy ra việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Công tác rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công được các địa phương quan tâm, bảo đảm chế độ của đối tượng người có công được thực hiện đúng theo quy định.

Chí Tâm/Tạp chí LĐ&XH