Bưu điện tỉnh Lạng Sơn: Vượt khó kinh doanh, bảo đảm quyền, lợi ích cho người lao động

Trong 5 năm trở lại đây, Bưu điện tỉnh Lạng Sơn chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19 và cạnh tranh quyết liệt từ thị trường bưu chính trong nước. Vì vậy, Bưu điện tỉnh xác định vừa phát triển kinh doanh, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ bưu chính công ích của Nhà nước vừa đảm bảo các quyền, lợi ích cho người lao động (NLĐ).

Hiện nay, Bưu điện tỉnh có 599 cán bộ, nhân viên, NLĐ, trong đó có 239 NLĐ ký hợp đồng lao động; 360 NLĐ thuê khoán, bưu tá xã, nhân viên bưu điện – văn hoá xã.

Buu Dien Tinh Lang Son

Nhân viên Bưu điện thành phố Lạng Sơn chi trả chế độ cho người có công

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp kinh doanh, Bưu điện tỉnh đã tập trung rà soát, sắp xếp, bố trí lại lao động trên toàn mạng lưới để đáp ứng yêu cầu kinh doanh, phù hợp với tình hình phát triển của đơn vị; mạng lưới bưu chính tại Bưu điện tỉnh dần được cải thiện theo hướng hiện đại hóa trong quy trình cung cấp dịch vụ, đa dạng hóa các dịch vụ, hướng vào các dịch vụ hành chính công; các phương án kinh doanh được định hình rõ nét hơn… Đồng thời, tổ chức công đoàn phối hợp với chuyên môn thực hiện đầy đủ các chính sách, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, nhất là đảm bảo việc làm ổn định ngay cả khi dịch bệnh diễn ra. Cùng với đó, các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, sáng tạo, cải tiến cách thức, phương thức làm việc được triển khai sâu rộng trong cán bộ, công nhân, NLĐ toàn ngành.

Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Giai đoạn 2017 – 2022, để đảm bảo sự phát triển trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, trong khi chất lượng đội ngũ ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế, Bưu điện tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho toàn thể đội ngũ lao động quản lý, trực tiếp sản xuất; thực hiện tuyển dụng lao động mới đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh; ban hành nhiều chế độ chính sách, cơ chế động viên, khuyến khích NLĐ. Vì vậy, chất lượng đội ngũ lao động của Bưu điện tỉnh nói chung có sự chuyển biến tích cực, rõ rệt về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần thái độ, tác phong làm việc.

Theo đó, hằng năm, Công đoàn Bưu điện tỉnh đều phối hợp với chuyên môn triển khai đầy đủ, kịp thời các chỉ thị liên tịch của Tổng giám đốc và Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty về triển khai các chương trình thi đua toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh; liên tục đổi mới phương thức tổ chức, đổi mới nội dung, tiêu chí thi đua phù hợp với thực tế, hướng về NLĐ trực tiếp, tạo mục tiêu và động lực để cán bộ, NLĐ quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh hằng năm. Cụ thể, năm 2022, đơn vị có 35 sáng kiến cải tiến được Hội đồng khoa học kỹ thuật Bưu điện tỉnh công nhận; hằng năm đơn vị đã tổ chức triển khai các đợt thi đua theo chuyên đề gắn với yêu cầu nhiệm vụ bức thiết trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: “Nâng cao chất lượng các dịch vụ Bưu chính chuyển phát”, “Bưu cục kiểu mẫu, giao dịch viên chuyên nghiệp”, “Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện”, “Phát triển số lượng tài khoản Post ID”… Đồng thời, quan tâm triển khai tốt phong trào thi đua: “Đổi mới hoạt động điểm bưu điện – văn hoá xã”, “Bưu điện – văn hóa xã vững bước thành công”; huy động các nguồn lực của chuyên môn, sự ủng hộ của cán bộ, công nhân viên, NLĐ để sửa chữa các điểm bưu điện – văn hoá xã và chuyển đổi theo hướng cung cấp đa dịch vụ.

Phong trào học tập nâng cao trình độ được cán bộ, NLĐ tích cực hưởng ứng, tham gia. Bưu điện tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng trao đổi tập trung về kỹ năng quản lý lãnh đạo, quản lý sản xuất kinh doanh và đặc biệt là quản lý rủi ro trong kinh doanh, đào tạo giao dịch viên, bưu tá, nhân viên bán hàng theo hướng chuyên nghiệp. Giai đoạn 2017 – 2022, đơn vị có 6.145 lượt công nhân, viên chức, NLĐ được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn.

Ông Triệu Văn Sỹ, Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính, Bưu điện tỉnh cho biết: Năm 2022, tôi chủ trì 2 đề tài sáng kiến gồm: “Giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác tuyển dụng lao động tại Bưu điện tỉnh” và “Giải pháp tăng cường công tác đào tạo qua hệ thống trực tuyến E-Learning”. Ngoài ra tôi còn tham gia 2 đề tài sáng kiến khác gồm: “Giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu tại Bưu điện tỉnh”, “Xây dựng và triển khai quy chế làm việc của Bưu điện tỉnh”. Các sáng kiến được công nhận, ứng dụng trong thực tiễn đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn của cá nhân, đơn vị.

Những nỗ lực đó đã giúp doanh thu hằng năm của Bưu điện tỉnh đều tăng và vượt cao so với kế hoạch tổng công ty giao, năm 2017 thực hiện được 68,793 tỷ đồng thì đến năm 2022 đã tăng lên 87,455 tỷ đồng. Thu nhập bình quân NLĐ năm sau cao hơn năm trước, so với đầu kỳ tăng 21,52% (năm 2018 đạt 9,8 triệu đồng/người/tháng thì đến năm 2022 đạt 11,18 triệu đồng/người/tháng). Bưu điện tỉnh được UBND tỉnh công nhận cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” nhiều năm liền.

Thanh Huyền/Báo Lạng Sơn